Cốm gạo chẳng biết có từ bao giờ nhưng trong ký ức của những đứa trẻ quê như tôi, đây là món ăn vặt khoái khẩu, ăn hoài, ăn mãi không biết chán.
Thời gian thấm thoát trôi qua, nhanh như chớp mắt. Nhớ ngày ấy, tôi còn là một đứa trẻ, như bao đứa trẻ quê khác, chiều đi học về, ngang nhà chú Tư đầu xóm là cả đám dừng lại xem chú nổ cốm. Mà cũng phải công nhận là chú Tư rất hiểu tâm lý trẻ con, thế nào chú cũng cho 1 bịch cốm nho nhỏ thơm lừng, nóng hổi. Thế là cả đám nhỏ reo lên vui mừng, cắn miếng cốm giòn rụm, cảm thấy vị ngọt còn vương nơi đầu lưỡi cùng vị béo của dừa, đậu phộng, thoảng mùi gừng cay cay. Cả đám vừa đi vừa nhai rao ráo lại vừa nói chuyện huyên thuyên.
Ông nội tôi thì sau bữa cơm chiều bắt chiếc bàn nhỏ ra trước sân nhà, dưới gốc cây gòn to đùng, cùng chú Tư và vài ông hàng xóm quây quần bên chung trà nóng và dĩa cốm nổ bàn chuyện mùa màng, đồng áng. Thi thoảng, ông ngoắc tôi lại dúi vào tay một nắm cốm bảo chia cho mấy đứa bạn cùng xóm ăn cho vui. Ông nhìn tôi giành cốm với mấy đứa trẻ trong xóm rồi nở nụ cười hiền.
Giờ đây, cây gòn trước nhà đã bị đốn để mở đường, đô thị hóa. Nội tôi cũng không còn nữa, chú Tư cũng đã già yếu và không còn làm cốm. Hương vị cốm ngọt ngào ấy chỉ còn trong ký ức của tôi.
Vừa rồi, về quê đám giỗ nội, thật ngạc nhiên biết bao khi thấy 2 hộp cốm nổ được đặt ngay ngắn trên bàn thờ, nhìn hạt cốm thì vẫn giống như ngày xưa, chỉ khác là giờ đây nó được đặt trong hộp giấy trong thật chỉnh chu, sang trọng.
Hỏi ra mới biết thì đây là cốm do anh Hai Bình, con của chú Tư làm. Vợ chồng anh quyết định mở cơ sở sản xuất cốm quy mô, nâng tầm cốm quê thành đặc sản của vùng đất miền Tây Nam bộ. Giúp tôi và những đứa trẻ đã từng lớn lên ở miền quê sông nước tìm lại được ký ức tuổi thơ.
Dù có ăn bao món ngon vật lạ, thì hương vị quê nhà vẫn còn mãi trong tôi. Nhớ lắm, thương lắm cốm quê tôi ơi!